HÌNH THỂ HỌC VỀ CỦA LỄ CHAY (Typology of the Grain Offering)

Của Lễ Chay: Một Kiểu Chịu Khổ Của Chúa Jesus
Sự Xức Dầu
Không Có Men
Không Có Mật
Không Có Trái Đầu Mùa
Muối
Ngũ Cốc Nguyên Chất Và Ngũ Cốc Được Nghiền

*Nguyên văn “typology” (tạm dịch là hình thể học). Theo Tự Điển Oxford Dictionaries, typology được định nghĩa là môn học nghiên cứu và phân tích bằng cách dùng sự phân loại (classification) theo kiểu, loại (type) nói chung, trong khảo cổ học, tâm lý học, hoặc các ngành khoa học xã hội (social science). Môn học nầy lúc đầu là nhằm nghiên cứu và giải thích các loại hình, kiểu mẫu, và biểu tượng (symbols) trong Thánh Kinh. ND.

Sách Lê-vi Ký trong tiếng Hebrew là V’yekra hoặc “And Yahweh Called” (Và Đức Giê-hô-va Đã Kêu Gọi). Lê-vi Ký đoạn 2:

“Khi nào ai dâng cho Đức Giê-hô-va một của lễ chay, thì lễ vật người phải bằng bột lọc có chế dầu, và để nhũ hương lên trên. Người sẽ đem đến cho các con trai A-rôn, tức những thầy tế lễ; thầy tế lễ sẽ lấy một nắm bột lọc chế dầu và hết thảy nhũ hương, đem xông làm kỷ niệm trên bàn thờ; ấy là một của lễ dùng lửa dâng lên, có mùi thơm cho Đức Giê-hô-va.

Phần chi trong của lễ chay còn lại sẽ thuộc về A-rôn và các con trai người; ấy là một vật chí thánh trong các của lễ dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va. Khi nào ngươi dùng vật chi hấp lò làm của lễ chay, thì phải lấy bột mịn làm bánh nhỏ không men nhồi dầu, và bánh tráng không men thoa dầu. Nếu ngươi dùng vật chiên trong chảo đặng làm của lễ chay, thì phải bằng bột mịn không pha men, nhồi với dầu, bẻ ra từ miếng và chế dầu trên. Ấy là của lễ chay. Nếu ngươi dùng vật chiên trong chảo lớn đặng làm của lễ chay, thì phải bằng bột mịn với dầu. Của lễ chay đã sắm sửa như cách nầy, ngươi sẽ đem dâng cho Đức Giê-hô-va, giao cho thầy tế lễ, và người sẽ đem đến bàn thờ. Thầy tế lễ sẽ lấy ra phần phải dâng làm kỷ niệm, xông trên bàn thờ; ấy là một của lễ dùng lửa dâng lên, có mùi thơm cho Đức Giê-hô-va. Phần chi trong của lễ chay còn lại sẽ thuộc về A-rôn và các con trai người; ấy là một vật chí thánh trong các của lễ dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va.

Hễ của lễ chay các ngươi dâng cho Đức Giê-hô-va, thì chớ dâng với men; vì các ngươi chớ dùng men hay mật xông với của lễ chi dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va. Các ngươi được dâng những vật đó cho Đức Giê-hô-va như của lễ đầu mùa; nhưng chẳng nên đốt trên bàn thờ như của lễ có mùi thơm.

Phải nêm muối các của lễ chay; chớ nên dâng lên thiếu muối; vì muối là dấu hiệu về sự giao ước của Đức Chúa Trời đã lập cùng ngươi; trên các lễ vật ngươi phải dâng muối. Nếu ngươi dùng hoa quả đầu mùa đặng làm của lễ chay tế Đức Giê-hô-va, thì phải bằng gié lúa rang, hột lúa mới tán ra, đổ dầu vào và thêm nhũ hương. Ấy là của lễ chay. Đoạn, thầy tế lễ lấy một phần hột tán ra với dầu và hết thảy nhũ hương mà xông làm kỷ niệm. Ấy là của lễ dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va.”

Hầu hết Cơ Đốc nhân đều có ý niệm rằng của lễ con sinh trong thời Cựu Ước là biểu tượng cho Chúa Jesus. Họ có thể biết chiên con lễ Vượt Qua, chiên con không tì vít là hình ảnh của Chúa Jesus; đối với Đức Chúa Trời, một Đấng vô tội đáng giá hơn tất cả mọi người tội lỗi và đó là cách Một Người có thể chết cho tất cả chúng ta. Nhiều người có thể cũng biết về của dâng trong Ngày Chuộc Tội; chúng ta đọc thấy điều nầy trong thơ Hê-bơ-rơ đoạn 9 đến 11. Thầy tế lễ thượng phẩm thật sự đặt tay lên đầu hai con dê, như biểu tượng cho tội lỗi đặt trên đầu chúng. Rồi họ sẽ dắt dê qua đường phố, nơi đó người ta sẽ khạc nhổ lên chúng, đá chân, ném đá vào chúng, đánh chúng bằng gậy và rủa sả chúng vì tội lỗi của họ. Rồi dê sẽ được hộ tống ra ngoài thành phố, nơi đó một con sẽ bị giết làm thịt và con kia sẽ được mang đến một vách núi đá. Đó là biểu tượng về những gì sẽ xảy ra với Chúa Jesus: Đức Chúa Trời sẽ đặt tội lỗi chúng ta lên Ngài; Chúa sẽ bị dẫn đi diễu hành qua đường phố Giê-ru-sa-lem, bị dắt ra ngoài thành phố và bị xử tử. Hầu hết Cơ Đốc nhân có ý niệm rằng huyết của lễ của các con sinh nầy là biểu tượng cho Chúa Jesus; tuy nhiên đa số họ đều không nghĩ về của lễ chay.

Phao-lô, người mà tên thật là Ra-bi Sau-lơ ở Tạt-sơ, nói rằng, “chúng ta làm vững bền luật pháp” (Rôm. 3:31) – năm sách của Môi-se (Kinh Torah, Ngũ Kinh) đã được làm trọn trong Chúa Jesus. Mọi việc đều chỉ về Ngài. Bạn có thể hiểu Phúc Âm và chỉ cần đọc Tân Ước bạn sẽ biết làm thế nào để được cứu. Nhưng để hiểu Phúc Âm ở mức độ sâu nhiệm hơn, để hiểu đầy đủ Phúc Âm, bạn phải hiểu Phúc Âm trong ánh sáng của bối cảnh Cựu Ước. Chúng ta phải hiểu Chúa Jesus đã làm trọn luật pháp như thế nào.

  1. Của Lễ Chay: Một Kiểu Chịu Khổ Của Chúa Jesus

Của lễ chay ở đây là những gì chúng ta gọi trong tiếng Hebrew là matzoth – bánh không men. Có lẽ bạn đã từng thấy matzoth; vài Hội Thánh dùng matzoth, bánh thô cứng rất mỏng dùng cho lễ Tiệc Thánh. Nó được làm cho có vằn có sọc và bị chọc thủng; kinh Talmud (truyền thống Do Thái) quy định bánh không men được dùng cho lễ Vượt Qua phải làm như vậy. Các ra-bi nói với chúng ta rằng điều nầy phù hợp với thịt chiên con lễ Vượt Qua. Đó chính xác là những gì Chúa Jesus đã phán trong Giăng đoạn 6; là hình ảnh của thân thể Chúa. Vì vậy bánh được làm cho có vằn có sọc. Tiên tri Do Thái Ê-sai nói với chúng ta: “Bởi lằn roi Người chúng ta được lành bịnh,”“Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết [bị đâm thủng].”Của lễ chay là biểu tượng sự hy sinh của Chúa Jesus cho tội lỗi chúng ta.

Ngũ cốc có thể được dâng theo ba cách: Thứ nhất, nó sẽ được dâng trên lửa đang cháy, trên vĩ nướng. Thứ hai, nó sẽ được dâng trong chảo rán – loại chảo có tay cầm dài. Cách thứ ba sẽ là cách chúng ta gọi theo tiếng Hebrew là b’tanur; bên trong lò nướng. Ngũ cốc sẽ được dâng trên lửa đang cháy, ở chảo rán và trong lò nướng. Chúng ta là những sinh vật ba chiều, bởi vì chúng ta được tạo ra theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thân, hồn và linh. Đó là một trong những bản chất quan trọng dạy thể nào chúng ta được tạo dựng giống như ảnh tượng của Đức Chúa Trời Ba Ngôi Hiệp Một. “Ba thể” (threeness) trong chúng ta bày tỏ về ba thể trong Đấng Sáng Tạo chúng ta.

Bởi sự kiện đó, chúng ta có thể thấy rằng khi chết cho tội lỗi chúng ta, Chúa Jesus phải chịu khổ trong thân, trong hồn và trong linh. Tội lỗi làm vấy bẩn mọi phương diện con người chúng ta; nó làm ô uế xác thịt (hay thân thể) chúng ta; nó làm hư hỏng tâm hồn (hay trí não, cảm xúc và khả năng hiểu biết) chúng ta và nó làm nhơ bẩn tâm linh chúng ta. Mọi phương diện con người chúng ta đã bị hạ bệ bởi vì tội lỗi. Vì thế, để cất đi tội lỗi chúng ta, Chúa Jesus phải chuộc tội trong thân, hồn và linh.

Như vậy, của lễ chay thứ nhất được dâng lên trên lửa đang cháy. Khi ngũ cốc được dâng lên trên vĩ nướng, mọi người có thể thấy nó bị lửa phá hủy. Việc nầy phù hợp với thân thể chịu khổ của Cứu Chúa Jesus. Nơi đó Ngài gánh chịu sự hành hình của người La Mã, bị treo gần như lõa lồ trước công chúng; mọi người có thể thấy thân thể Chúa đang bị tra tấn. Khi họ đóng đinh Chúa trên thập tự giá, Ngài bị đóng đinh nơi đó vì tội lỗi chúng ta. Khi người La Mã quất mạnh roi vào Chúa và đặt mão gai lên đầu Ngài, đó là bởi vì Chúa gánh tội lỗi của tôi. Chúa Jesus mang những cây đinh, tôi có được sự cứu rỗi. Người công bình chết thay cho kẻ không công bình.

Chúa chịu khổ trong thân thể; mọi người có thể thấy ngũ cốc bị cháy bùng lên. Sự đau đớn ghê gớm của Chúa không thể thốt nên lời. Tôi từng đọc bản tin của các nhà nghiên cứu bệnh học Cơ Đốc đã mổ xẻ khám nghiệm tử thi những người bị đóng đinh trên thập tự giá theo kiểu người La Mã và thật là khủng khiếp không thể tin nỗi. Ngay cả với kỹ thuật hiện đại, chúng ta cũng không thể tìm được cách nào ác độc hơn cách mà người La Mã đã giết Chúa Jesus.

Tuy nhiên, ngũ cốc cũng được dâng lên ở chảo rán hoặc xoong. Khi ngũ cốc cháy trong chảo, chỉ thấy được một phần những gì đang xảy ra. Bạn có thể thấy vài việc đang tiếp diễn, nhưng bạn không thế thấy tất cả. Ngũ cốc nầy được đốt lên trong chảo, như theo Lê-vi Ký đoạn 2, phù hợp với tâm lý hay cảm xúc chịu khổ của Chúa Jesus; những gì mà Thánh Kinh gọi là “kết quả của sự khốn khổ linh hồn mình” (Ê-sai 53:11).

Khi ai đó đang chịu khổ về tâm lý hay cảm xúc – có lẽ họ chán nãn ngã lòng hay có tang chế hoặc bị áp bức – người khác có thể thấy một phần những gì đang xảy ra, nhưng không thể thấy hết. Bạn có thể thấy một phần ngũ cốc đang cháy trong chảo cách một khoảng. Để thấy tất cả, bạn phải trực tiếp đứng bên trên và nhìn xuống. Vì vậy khi ai đó đang chịu khổ về cảm xúc, dù họ chán nãn ngã lòng hay có tang chế hoặc đau buồn vì mất người thân yêu chưa được cứu, người khác có thể thấy phần nào người đó đang trải qua, nhưng chỉ Chúa nhìn xuống từ trên cao có thể thấy tất cả. Chúa biết mọi sự; người khác chỉ có thể hiểu rõ vài giá trị và có lẽ thấu cảm; nhưng Đức Chúa Trời thấy tất cả.

Bạn thấy, Chúa Jesus đã gánh nỗi thống khổ chúng ta; Ngài chịu khổ về tâm lý. Chúa bị tra tấn về tinh thần và xúc cảm. Nhưng có cách thứ ba, ngũ cốc được đốt cháy bên trong lò nướng. Cách nầy không ai có thể nhìn thấy.

Khi Chúa Jesus đi đến thập tự giá, việc gì đó đã xảy ra với chính Ba Ngôi Hiệp Một Đức Chúa Trời: Cha đã quay lưng lại với Con. Giờ đây, chúng ta phải cẩn thận; một tà giáo khủng khiếp có nguồn gốc từ Nam Mỹ hiện đã lan khắp thế giới mà truyền hình gọi là “Chúa Jesus Đã Chết Về Tâm Linh” (Jesus Died Spiritually). Họ cho rằng Sa-tan đã chiến thắng trên thập tự giá và khi Chúa Jesus chết, mặc dù chính Ngài phán: “Mọi việc đã được trọn”“Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha!” nhưng đã không xảy ra. Thay vào đó họ nói Chúa đã trở nên cùng một bản chất với Sa-tan dưới âm phủ, nơi Ngài bị tra tấn ba ngày ba đêm, cho đến khi Ngài được tái sanh – vẫn ở âm phủ. Điều nầy đã được dạy bởi nhiều diễn giả truyền hình nổi tiếng. Đó là một phần của “phúc âm tin vào sự giàu có” (faith prosperity gospel), nó cũng công bố rằng Cơ Đốc nhân không phải chịu khổ! Như vậy, bởi vì họ không nhìn xem thập tự giá của Chúa Jesus là tâm điểm của sự cứu rỗi, họ cũng không nhìn xem thập tự giá của Chúa Jesus là tâm điểm của đời sống Cơ Đốc. Thay vì “hãy vác thập tự giá mình mà theo Chúa và đặt đức tin mình vào một thế giới tốt hơn” thì niềm tin của họ gồm có “Ngươi là con Vua, Đức Chúa Trời muốn ngươi giàu có,” vân vân. Đây là một tà giáo gây kinh hoàng. Dĩ nhiên, Chúa Jesus đã đắc thắng trên thập tự giá, không phải ma quỷ. Tuy nhiên, có điều gì đã xảy ra ở lò nướng đó. Việc gì đó đã xảy ra với Đức Chúa Trời. Cha đã quay lưng lại với Con; Đức Chúa Trời không thể nhìn vào tội lỗi. Chúng ta không hiểu đầy đủ những gì đã xảy ra.

Chúng ta không thể làm giảm bớt dù chỉ một giây đau khổ thể xác của Chúa Jesus; sự đau đớn cực độ về thể xác Ngài đã đến cùng tột. Chúng ta cũng không thể làm giảm bớt đau khổ về cảm xúc và tinh thần Ngài; việc đó cũng là thật. Nhưng sự đau khổ sâu xa hơn của Chúa Jesus là những gì xảy ra ở Ba Ngôi Đức Chúa Trời; Cha đã quay lưng lại với Con. Điều gì đã xảy ra bên trong lò nướng đó. Đức Chúa Trời có sự khủng hoảng ở chính Ngài, nơi Cha đã quay lưng lại với Con vì Con gánh tội lỗi chúng ta để cho chúng ta sự công bình của Ngài? Khủng khiếp thay sự chịu khổ thân thể Ngài, đau đớn thay sự dày vò xúc cảm Ngài, song điều xảy ra cho tâm linh còn tệ hơn. Chúa Jesus đã bị cắt khỏi Đức Chúa Trời trong một lát; vì tội lỗi của tôi và vì tội lỗi của bạn (Ês. 53:10; 54:7-8).

Chúa đã chịu khổ trong thân, trong hồn và trong linh. Vì vậy ngũ cốc phải được dâng trên vĩ nướng, nơi mọi người có thể thấy; trong chảo rán, nơi có thể thấy một phần, chỉ quan sát đầy đủ từ bên trên và trong lò, nơi không ai có thể thấy.

  1. Sự Xức Dầu

Giờ đây, ngũ cốc phải được rưới dầu, phải có dầu chế vào nó. Từ ngữ Hebrew căn bản để chỉ “dầu” là shemen; nói về sự xức dầu. Từ ngữ “Christ” đến bởi từ ngữ Hy Lạp là Christos. Đó là cách người Hy Lạp nói về từ ngữ Hebrew ha Mashiach, tức “Đấng Chịu Xức Dầu” hay Đấng Mê-si. Trong các sách Phúc Âm, chúng ta thấy Chúa Jesus chịu xức dầu để chôn trước khi Ngài được xức dầu nhận quyền thế (Mác 14:8; Công 2:33). Khi nói về chứng cớ cho việc xức dầu và chức vụ của mình trong II Cô-rinh-tô, Phao-lô không nói trước tiên về dấu kỳ hay phép lạ của một sứ đồ. Ông nói về mình bị ruồng bỏ, đắm tàu, bị ném đá… vân vân (II Côr. 11 và 12). Chứng cớ đầu tiên và trước nhất của sự xức dầu thật sự là sự xức dầu đến từ Đấng Christ, là một đời sống bị đóng đinh. Đó là đời sống không tin vào thế gian nầy. Nhiều nhà truyền giáo trên TV khoác lác về việc chịu xức dầu vĩ đại của mình. Họ chỉ ra tiền bạc, xe hơi, … vân vân của họ như là dấu hiệu sự xức dầu và chúc phước của Đức Chúa Trời cho chức vụ họ. Thế gian thấy điều nầy và nhạo báng. Đó không phải là sự xức dầu; sự xức dầu là một đời sống bị đóng đinh, được sống bởi những người không tin vào cuộc sống hay thế gian nầy, nhưng tin vào ân điển của Đức Chúa Trời, vì ân điển để chịu khổ bất kỳ việc gì nếu đó là ý muốn Đức Chúa Trời; những người không yêu sự sống mình ở thế gian nầy, thậm chí nếu nó sẽ dẫn đến cái chết. Đó là chứng cớ thật của sự xức dầu.

Chúa Jesus chịu xức dầu để chôn; dầu được rưới lên ngũ cốc. Dầu và nhũ hương; khi Chúa Jesus được sinh ra, các thầy bác sĩ ở đông phương đã mang vàng bởi vì Ngài là một vị Vua, một dược bởi vì Ngài sẽ chết (bạn nhớ, một dược được tẩm liệm cùng thi hài đã xức dầu để an táng, như chúng ta đọc trong Giăng 19:39) và nhũ hương bởi hương thơm, trong Khải Huyền, là lời cầu nguyện của các thánh đồ.

Để hiểu ý nghĩa nầy, chúng ta hãy thoáng nhìn vào Nhã Ca 4:6. Chúng ta gọi Nhã Ca theo tiếng Hebrew là Hashir Hashirim và đó là lời nói bóng gió (allegory). Mối tình lãng mạn của Sa-lô-môm và nàng Su-la-mít là hình ảnh mối lương duyên Đấng Christ với nàng dâu Ngài. Chúng ta được kể trong Nhã Ca đoạn 4, câu 6:

Ta sẽ đi lên núi một dược, I will go my way to the mountain of myrrh,

Đến đồi nhũ hương, To the hill of frankincense

Ở cho đến khi hừng đông lố ra, Until the cool of the day comes,

Và bóng tối tan đi. When the shadows flee away.

Chàng rể được xức dầu an táng để chết cho nàng dâu, để mang của lễ được chấp nhận lên núi một dược, núi mà chúng ta sẽ gọi là núi Calvary [Lu-ca 23:33 “Khi đến một chỗ gọi là chỗ Sọ, họ đóng đinh Ngài trên cây thập tự tại đó.” (when they were come to the place, which is called Calvary, there they crucified him - KJV). ND]. Như vậy, Chúa được xức dầu an táng, để mang của lễ được chấp nhận. Bạn thấy, bạn có thể cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện; hát thánh ca, hát thánh ca và hát thánh ca; và không có ý nghĩa gì cả. Trừ phi bạn ở trong Đấng Christ, trừ phi bạn được tái sanh, Đức Chúa Trời không thể chấp nhận sự thờ phượng của bạn. Chỉ những gì được làm trong Đấng Christ mới có ý nghĩa. Bạn có thể đi tất cả nhà thờ bạn muốn và điều đó là tốt, nhưng chưa đủ. Chỉ ở trong Đấng Christ mới có tính chất quan trọng. Nhưng chúng ta hãy tiếp tục.

  1. Không Có Men

Như vậy ngũ cốc được rưới dầu để mang sự thờ phượng được chấp nhận. Nó có dầu và có hương thơm; nhưng ngũ cốc không thể có mật hoặc men. Từ ngữ “matzoth” nghĩa là “bánh không men.” Tại sao bánh nầy, là hình bóng về thân thể Chúa Jesus, lại không có men? Men là gì? Thánh Kinh Tân Ước lập đi lập lại cho chúng ta cái gì là men.

Trong I Cô-rinh-tô đoạn 5, Phao-lô nói với chúng ta như sau: “Thật anh em chẳng có cớ mà khoe mình đâu! Anh em há chẳng biết rằng một chút men làm cho cả đống bột dậy lên sao?Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi” (câu 6-7).

Men, hoặc bột nở, không đóng góp bất kỳ thứ gì vào giá trị dinh dưỡng của bánh. Nó chỉ làm dậy (nở phồng) đống bột lên; “Thật anh em chẳng có cớ mà khoe mình đâu!” Điều đầu tiên là men nói về tội lỗi, nhưng đặc biệt là tội kiêu ngạo. Trong Ê-sai đoạn 14, Sa-tan muốn là Đức Chúa Trời; trong cõi đời đời, Sa-tan muốn tiếm đoạt vị trí của Đức Chúa Trời. Trong thời gian cám dỗ A-đam và Ê-va, tội lỗi đầu tiên của con người là kiêu ngạo. Cũng vậy, kiêu ngạo là tội lỗi đầu tiên dẫn đến các tội lỗi khác. Khi bạn thấy ai đó có vấn đề với thói hám danh lợi, thì kiêu ngạo ẩn bên dưới thói hám danh lợi đó. Khi bạn thấy ai có vấn đề với dục vọng không kiểm soát được, ẩn bên dưới dục vọng đó là kiêu ngạo. Khi bạn thấy ai có vấn đề với cơn giận dữ bất chính, quá đáng; ẩn bên dưới cơn giận dữ đó là kiêu ngạo. Kiêu ngạo là tội lỗi sinh sản; nó làm gia tăng tội lỗi khác.

Điều duy nhất tôi phải kiêu ngạo là những gì Chúa Jesus đã làm cho tôi trên thập tự giá. Ngài đã gánh tội lỗi tôi và sống lại từ kẻ chết! Đó là điều duy nhất tôi phải kiêu ngạo. Tuy nhiên, Chúa Jesus là Đức Chúa Trời và Ngài không có tội lỗi. Chúa có mọi sự để kiêu ngạo; thế nhưng Ngài có điều để kiêu ngạo là không kiêu ngạo. Thật là một nghịch biện tuyệt diệu! Tôi không có điều gì để kiêu ngạo là phải chiến đấu với kiêu ngạo mỗi ngày, bạn cũng vậy. Chúng ta chiến đấu với nó mỗi ngày, nhưng Chúa Jesus thì không. Không có men trong bánh đó.

Chúa Jesus phán: “Hãy cẩn thận về men của người Pha-ri-si” (Ma-thi-ơ 16:6, 11, 12; Mác 8:15; Lu-ca 12:1), đạo lạc. Khi bạn gặp tà giáo và đạo lạc thì đây là men của người Pha-ri-si. Đáng buồn thay đạo lạc nầy lan tỏa khắp Hội Thánh toàn cầu, họ cám ơn rộng rãi đến chương trình truyền hình “Cơ Đốc nhân” và tà giáo “tin vào sự giàu có.” Nó làm dậy lên; có sự kiêu ngạo. Họ tuyên bố: “Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho tôi,” “Tôi có thể làm việc nầy,” “chúng ta sẽ tiến lên phía trước và chinh phục thế giới” – kiêu ngạo thuộc linh. Hãy cẩn thận về men của người Pha-ri-si. Chúa Jesus không có đạo lạc, không có tà giáo. Mỗi lời Ngày dạy là một trăm mười phần trăm sự thật. Không có men trong bánh. Nếu có, Chúa sẽ không thể chết cho tội lỗi chúng ta.

Một điều nữa: Đối với Đức Chúa Trời, một người vô tội đáng giá hơn tất cả người có tội. Bạn có tốt thế nào cũng không có ý nghĩa; bạn tốt không đủ để đi đến thiên đàng. Mặt khác, dù bạn xấu xa đến đâu cũng không quan trọng; bạn không quá xấu xa đến nỗi Đức Chúa Trời không yêu thương bạn và Chúa Jesus không thể gánh tội cho bạn rồi ban cho bạn sự sống của Ngài. Đó là Phúc Âm.

Thật là khó khăn khi người ta lớn lên, nghe về điều đó trong toàn bộ cuộc sống mình; họ đi nhà thờ 20, 30, 40 năm và nghe sứ điệp nầy – hoặc các biến thể của sứ điệp – nhiều người trong họ có lẽ đã nghe hàng trăm lần. Thế nhưng họ vẫn chưa bao giờ được tái sanh; đó là bi kịch khủng khiếp. Gia đình tôi là người Do Thái; người Do Thái làm điều sai trái hơn dân tộc khác vì chối bỏ Phúc Âm, bởi Chúa Jesus là người Do Thái và bởi vì Phúc Âm đến từ nước Do Thái trước tiên. Trong sách Rô-ma có chép rằng Đức Chúa Trời bắt người Do Thái phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Bởi vì sự cứu rỗi đã sẵn sàng cho họ đầu tiên, hậu quả của việc chối bỏ sẽ giáng trên họ trước nhất, chúng ta đã được xem trong sách Rô-ma. Cũng vậy, người đã nghe Phúc Âm nhiều lần chịu trách nhiệm nhiều hơn người không sống ở nơi Phúc Âm luôn sẵn sàng. Tôi chưa bao giờ biết gì về một Cơ Đốc nhân được tái sanh cho đến khi tôi vào đại học; tôi chưa bao giờ nghe một việc như vậy. Nhưng nhiều người lớn lên, nghe nhưng không chấp nhận Phúc Âm. Họ biết lẽ thật; hoặc ít ra lẽ thật luôn sẵn sàng cho họ. Tôi hầu việc Chúa ở Phi Châu, Ấn Độ, Trung Đông; tôi đi đến những nơi người ta chưa bao giờ nghe lẽ thật. Thế nhưng có người đi đến nhà thờ và nghe lẽ thật hết Chúa Nhật nầy đến Chúa Nhật khác, nhưng cuộc đời họ không hề thay đổi. Không có men – không có kiêu ngạo, không có đạo lạc – trong bánh không men đó. Một Người không có tội có thể chết cho tất cả mọi người có tội.

  1. Không Có Mật

Nhưng cũng không thể có mật. Tại sao không thể có mật trong ngũ cốc đó? Thánh Kinh đã bảo cho chúng ta biết men là gì. Nhưng với mật thì có gì sai? Tại sao Đức Chúa Trời phán trong Lê-vi Ký đoạn 2 rằng chớ dùng mật trên ngũ cốc với của lễ dâng?

Chúng ta phải luôn giải thích Thánh Kinh dưới ánh sáng của Thánh Kinh. Hãy xem Châm Ngôn 24:13 “Hỡi con, hãy ăn mật, vì nó ngon lành; tàng ong lấy làm ngọt ngào cho ổ gà con.” Mật thì ngọt. Chúng ta hãy hiểu tư tưởng người Do Thái trong quan niệm về mật: Mật, tiếng Hebrew gọi là devash, bởi vì nó đến từ chữ devorah (con ong). Tên người con gái “Deborah” nghĩa là “con ong” trong tiếng Hebrew. Nhưng từ ngữ Hebrew trong Thánh Kinh, Lời Đức Chúa Trời, dùng là devar. Trong ngôn ngữ Hebrew, một kết nối (hoặc mối liên hệ) từ nguyên giữa hai từ ngữ, thường cũng sẽ hàm ý một kết nối, một mối quan hệ thần học giữa hai từ ngữ đó. Lời Đức Chúa Trời ngọt ngào. Hãy nhớ trong sách Khải Huyền, hoặc Ê-xê-chi-ên đoạn 3, rằng ăn cuốn ấy (cuộn sách) trong miệng ngọt như mật, nhưng đắng trong bụng. Lời Đức Chúa Trời thì ngọt cho chúng ta; nếm thật ngọt ngào. Song Lời Đức Chúa Trời sẽ luôn luôn ngọt ở miệng, lại đắng trong ruột chúng ta. Lời Chúa có thể rất thích thú và rất khích lệ; nhưng chúng ta cũng chịu trách nhiệm về Lời Chúa. Lời Chúa không chỉ đơn giản làm gia tăng sự hiểu biết mà còn làm thay đổi cuộc đời chúng ta. Lời Chúa ngọt trong miệng, nhưng đắng trong ruột. Bạn thấy, chúng ta chỉ thích các mảnh mật. Chúng ta không thích những miếng đắng.

Người Do Thái đã vào trong xứ đượm sữa và mật; rồi ngày nào đó, chúng ta cũng vậy. Thiên đàng sẽ là xứ đượm sữa và mật; Đất Hứa. Con số Một là hình ảnh của số khác. Trên thiên đàng, mọi sự sẽ là yêu thương (an lạc). Tuy nhiên, lúc ấy chúng ta đã ra khỏi Ai Cập – hình ảnh của thế gian – và chúng ta lưu lạc trong đồng vắng. Sa mạc là nơi khó khăn. Ma-na rơi xuống cho dân Do Thái và ma-na ngọt như mật; giờ đây, ma-na rơi xuống và nếm ngọt như mật.

Nhưng có vấn đề với mật. Không phải chính mật mà ở cách chúng ta dùng nó. Hãy xem Châm Ngôn 25:16 “Nếu con tìm được mật, hãy ăn vừa phải, kẻo khi ăn no chán, con mửa ra chăng.” Quá nhiều mật khiến chúng ta bệnh. Ngay chính tôi là người Ngũ Tuần/Ân Tứ (Pentecostal/Charismatic) rất thầm lặng, tuy vậy tôi chống lại mọi chủ nghĩa cực đoan. Nhưng tôi sẽ nói với bạn một trong những điều phong trào Ngũ Tuần đã đi sai và tại sao hầu như suốt 30 năm không mang lại sự phục hưng. Mọi sự đều dựa vào sự yêu mến, cảm giác và ý nghĩ tích cực. Họ chỉ muốn ngọt ở miệng mà không đắng trong ruột. Nhiều người Ngũ Tuần đã đi theo thần học kinh nghiệm thay vì thần học Thánh Kinh. Họ tạo ra học thuyết cho mình rồi đi theo, bởi vì họ cảm thấy tốt đối với họ; nó tương tự như tâm lý học thế tục. Sự cảm nhận – hệ số tốt: “Nếu cảm thấy tốt, nó phải là đúng.”

“Hãy ăn những gì bạn cần” – bạn cần lượng mật nào đó. Tất cả chúng ta cần yêu mến; mật chỉ về sự yêu mến. Hai loại cha mẹ gây tổn hại nghiêm trọng nhất cho cảm xúc và tâm linh con trẻ mình là những người quá nghiêm khắc và những người quá buông thả. Tôi có người chú trong quân đội và nhiệm vụ ông là huấn luyện binh sĩ cho chiến trường. Ông là quân nhân tốt; nhưng ông không thể tách rời cuộc sống chuyên nghiệp khỏi cuộc sống gia đình. Hậu quả là ông quá nghiêm khắc với con mình và đưa chúng vào khuôn phép như quân đội. Điều nầy đã gây tổn hại chúng và hết đứa nầy đến đứa khác đã đi sai đường. Cuối cùng, chúng phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống riêng mình, nhưng sự giáo dục chúng là quá nghiêm khắc. Bạn có biết rằng có những người cha chưa bao giờ ôm lấy con mình không? Thánh Kinh nói tình yêu thương của người cha còn hơn cả người mẹ, bởi vì Đức Chúa Trời là hình ảnh người cha. Nếu đứa trẻ chưa bao giờ chứng kiến tình yêu thương của người cha, việc thiếu sót đó sẽ làm mờ đi tầm nhìn của nó về Đức Chúa Trời. Những người cha phải bày tỏ sự yêu mến đủ nhiều cần thiết cho con mình.

Thế nhưng, mặt khác, “hãy chỉ ăn lượng bạn cần;” đừng ăn uống quá nhiều. “Ôi, đừng đánh Henry bé nhỏ; Henry là cậu bé tốt;” cho đến một ngày, cảnh sát gõ cửa khi Henry không còn rất bé nhỏ - cũng không còn rất tốt nữa.

Bạn tìm thấy mật chưa? Hãy ăn lượng bạn cần; chúng ta cần mật. Nhưng quá nhiều sẽ khiến chúng ta bệnh. Hãy cẩn thận về những người lãnh đạo bằng cảm xúc, họ thay thế tính chất tâm linh bằng cảm xúc và cảm giác. Sự dạy dỗ của Lời Đức Chúa Trời xác định những gì thuộc tâm linh; còn cảm giác của chúng ta thì không.

Chúng ta hãy xem thêm Châm Ngôn 25:27 “Ăn mật nhiều quá lấy làm chẳng tốt; và cầu kiếm vinh hiển cho mình, ấy gây sự tổn hại.” Khi bạn thấy người ta ăn quá nhiều mật – người lãnh đạo bằng cảm xúc – thì đấy là kẻ kiêu ngạo thuộc linh. Họ đang tìm kiếm vinh quang cho riêng họ, họ tin rằng mình thuộc linh hơn những người khác quanh họ, họ giữ thái độ ta “thánh-hơn-ngươi” và đối với họ, cảm giác và cảm xúc sai trái trở thành tiêu chuẩn đánh giá tâm linh. “Ôi, chúng ta đừng xét đoán! Chúng ta đừng phê bình!”

Gia đình riêng tôi là sự kết hợp của hai tầng lớp: Do Thái và Công Giáo. Chúng tôi có gia đình Do Thái, người trên đường xuống âm phủ không có Đấng Mê-si, thế nhưng có những Cơ Đốc nhân công bố yêu thương người Do Thái trong lúc lại từ chối cho họ Phúc Âm. Hiện nay có những tổ chức gọi chính mình là “Những Sứ Thần Cơ Đốc” (Christian Embassies), gồm có những người muốn mang người Do Thái trở lại nước Israel; thế nhưng họ giữ lại Phúc Âm nhân danh “tình yêu thương.” Thật ra điều họ nói là: “Hỡi người Do Thái, chúng tôi yêu thương bạn! Hãy cút xuống địa ngục!” Không, nếu bạn yêu người Do Thái, hãy nói cho họ về Đấng Mê-si.

“Ôi, chúng tôi yêu thương anh em Công Giáo!” Mẹ tôi tin vào bức tượng Ma-ri cho sự cứu rỗi của mình thay vì tin Chúa Jesus; mẹ tôi đang trên đường đến âm phủ. Nếu chúng ta yêu thương người Công Giáo, chúng ta hãy nói cho họ Phúc Âm thật. Hoặc huyết của Đấng Christ tẩy sạch tất cả tội lỗi bạn hay bạn sẽ chuộc tội lỗi mình trong Ngục Luyện Tội; bạn sẽ tin vào phúc âm nào? Phao-lô nói rằng ngay cả thiên sứ Đức Chúa Trời đến giảng phúc âm khác, chúng tôi cũng từ chối. Không có Ngục Luyện Tội; chúng ta không chuộc tội lỗi mình, bởi vì huyết của Đấng Christ tẩy sạch tất cả tội lỗi. Thế nhưng nhân danh tình yêu thương, người ta công bố người Công Giáo là anh em, rồi bỏ họ làm tôi mọi ở trong sự sợ hãi cái chết. Đây không phải là tình yêu thương; tình yêu thương toàn hảo xua đuổi mọi sợ hãi. Chúa Jesus đã gánh lấy tội lỗi chúng ta; thế nhưng nhân danh tình yêu thương, Cơ Đốc nhân nào đó sẽ bỏ người ta trong cảnh tôi mọi đó. “Ôi, nhưng chúng ta phải yêu thương người Công Giáo!” Chắc chắn rồi; vì vậy chúng ta hãy nói với họ lẽ thật!

“Lại, điều tôi xin trong khi cầu nguyện, ấy là lòng thương yêu của anh em càng ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu” (Phi-líp 1:9). Bạn có thấy không? Yêu thương và tin cậy không tách biệt, nhưng phụ thuộc nhau. Song bởi vì phong trào Ân Tứ chạy theo mật thay vì ngũ cốc nên họ không còn biết điều nầy: “Hãy ăn lượng bạn cần; không quá nhiều.”

Các chức năng của hồn là tâm, trí và cảm xúc. Tâm trí con người là đầy tớ rất tốt, song lại là chủ tồi. Cảm xúc con người cũng là đầy tớ rất tốt, nhưng là chủ tàn nhẫn, độc ác, gây chết chóc. Khi thấy ai đang suy nghĩ với cảm xúc và thay thế cảm giác họ cho Lời Chúa, bạn đang nhìn vào kẻ kiêu ngạo thuộc linh và người đó đang trên hành trình tự sát tâm linh. Họ cũng sẽ kéo người khác xuống với họ nếu được phép làm như vậy.

Không, không có mật trên ngũ cốc đó. Không có cảm xúc nào dính dáng đến việc đóng đinh trên thập tự giá của Chúa Jesus. Cha đã quay lưng lại với Con Ngài. Không, tôi đã nhận lấy mật – “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian…” – Tôi đã nhận lấy mật. Những cô gái tôi đã ngủ, ma túy tôi đã dùng – Chúa Jesus đã trả giá cho rồi. Chúa nhận lấy những cây đinh, Ngài bị đóng đinh trên cây vì những gì tôi làm và tôi đã nhận lấy mật. Chúa không lấy mật, không có mật trên ngũ cốc.

  1. Không Có Trái Đầu Mùa

Không có mật và không có men. Lê-vi Ký 2:12, “Các ngươi được dâng những vật đó cho Đức Giê-hô-va như của lễ đầu mùa; nhưng chẳng nên đốt trên bàn thờ như của lễ có mùi thơm.” Tại sao ngũ cốc đầu mùa không được dùng làm của lễ chay? Hãy hiểu trái đầu mùa mang ý nghĩa gì, đó là ngày lễ Do Thái trong tuần lễ Vượt Qua vào tháng Tư. Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá thời gian đó; nhưng Chúa Nhật của tuần đó, thầy tế lễ thượng phẩm sẽ đi vào trũng Kít-rôn, giữa đền thờ và núi Ô-li-ve. Chính xác lúc mặt trời mọc, khi thấy tia sáng đầu tiên ló lên phía sau núi Ô-li-ve soi rọi các cành non, thầy tế lễ thượng phẩm sẽ trịnh trọng gặt ngũ cốc và mang vào đền thờ; đó sẽ là hoa quả đầu mùa. Cả bốn sách Phúc Âm đều cho chúng ta biết Chúa Jesus sống lại lúc sáng sớm; nói cách khác, chính vào lúc thầy tế lễ thượng phẩm mang hoa quả đầu mùa vào đền thờ, Chúa Jesus sống lại từ kẻ chết như Trái Đầu Mùa của sự phục sinh. Đây là điều Phao-lô đã nói cho chúng ta trong I Côr. 15:20, “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ.” Chúa Jesus là Trái Đầu Mùa.

Như vậy ngũ cốc đầu mùa không thể được đặt lên bàn thờ và dâng hiến. Tại sao? Bởi vì Chúa Jesus đã chết một lần và đủ cả. Một lần Chúa đã chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại từ phần mộ, Ngài sẽ không bao giờ chết lần nữa. Đây là lý do tại sao khi Môi-se đập vào hòn đá hơn một lần, ông đã không thể vào trong Đất Hứa. Điều đó cũng giống như đóng đinh Chúa Jesus lần nữa. Chúa đã chết một lần và rồi Nước Hằng Sống – Đức Thánh Linh – đã đến. Đây là lẽ thật quan trọng để hiểu sự sai trật của khối Công Giáo.

Ngày nay có một nan đề lớn được gọi là ecumenism (hay ecumenicism, thuyết chủ trương kết hợp tất cả các tôn giáo toàn cầu lại với nhau). Giờ đây, để Cơ Đốc nhân được cứu kết hợp với Cơ Đốc nhân được cứu thì rất tốt. Tôi tán thành tất cả những người Báp-tít được tái sanh nhóm lại với những người Trưởng Lão được tái sanh và những người Ngũ Tuần được tái sanh (nếu họ không cực đoan). Tôi được đặc ân kết hợp những Cơ Đốc nhân được cứu. Nhưng khi Cơ Đốc nhân được cứu bắt đầu thông công với những người Tin Lành tự do, với những người chưa tin; khi những Cơ Đốc nhân được cứu bắt đầu thông công với Hội Thánh Công Giáo La Mã; thì đó là việc hoàn toàn khác.

Nhưng ta hãy xem những gì được chép trong Hê-bơ-rơ 7:27 “Không như những thầy tế lễ thượng phẩm khác, cần phải hằng ngày dâng tế lễ, trước vì tội mình, sau vì tội dân; Ngài làm việc đó một lần thì đủ cả, mà dâng chính mình Ngài làm tế lễ.” Chúa đã chết một lần. Trong Hê-bơ-rơ 9:12, chúng ta đọc thấy điều tương tự: “Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời.” Và trong Hê-bơ-rơ 9:28 “Cũng vậy, Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người.” Hê-bơ-rơ 10:10 “Ấy là theo ý muốn đó mà chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Jêsus Christ một lần đủ cả.” Hê-bơ-rơ 10:14 “Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời.” Một lần; nếu việc gì đó là toàn hảo, thì không cần phải cải tiến nữa. Chúa Jesus đã chết một lần và chỉ một lần.

Vì vậy trong sách Cô-rinh-tô, Chúa là Trái Đầu Mùa. Chúa đã chết một lần, đã sống lại từ trong kẻ chết một lần, sẽ không bao giờ chết lần nữa, bởi vì sự hy sinh của Ngài là toàn hảo. Học thuyết về lễ Mass (lễ Mi-sa hay lễ Ban Thánh Thể) của Công Giáo La Mã phủ nhận điều nầy, công bố rằng lễ Mass cũng như tế lễ tại Gô-gô-tha và Chúa Jesus chết lần nữa và lần nữa và lần nữa. Học thuyết về lễ Mass của Công Giáo là sự phủ nhận cơ bản Phúc Âm của Đức Chúa Jesus Christ.

Những người Cải Chánh, tất nhiên không phải là người toàn hảo. Luther, Calvin, Zwingly – họ đã phạm nhiều sai lầm và thậm chí họ còn bắt bớ những người Báp-tít. Tuy nhiên, mỗi người trong số họ vốn là linh mục Công Giáo, đã được cứu sau khi đọc Thánh Kinh. Không chỉ họ xuất thân từ tăng lữ, mà còn ở giới trí thức của tăng lữ Công Giáo La Mã. Khi quay lại và đọc Thánh Kinh trong nguyên ngữ Hy Lạp, họ hiểu điều gì là sai. Mỗi người Cải Chánh là một linh mục Công Giáo đọc Thánh Kinh nguyên ngữ và được cứu. Những học thuyết (chân lý) đó không hề thay đổi: Chúa Jesus đã chết một lần đủ cả.

  1. Muối

Ngũ cốc phải được nêm muối. Một lần nữa chúng ta trở lại với ý tưởng nầy về Ngôi Lời. Giăng 1:1 “Ban đầu có Ngôi Lời.” Chúa Jesus là Ngôi Lời và Thánh Kinh là Ngôi Lời. Ngôi Lời của Chúa là Chúa, có muối. Muối là chất bảo quản duy nhất họ có ở vùng Cận Đông xa xưa. Lời của Đức Chúa Trời – muối – bảo tồn. Quyền năng Chúa Jesus bảo tồn. Nếu một Hội Thánh ngừng truyền giảng Phúc Âm, cuối cùng Hội Thánh sẽ không thuộc người Tin Lành nữa. Nếu bạn từ bỏ Đấng Christ, cuối cùng bạn sẽ từ bỏ Lời Ngài và đó là nơi những người Tin Lành tự do đã đến. Họ “giữ hình thức tôn giáo, nhưng phủ nhận quyền năng trong đó.” Họ chỉ muốn giữ những lời dạy dỗ đạo đức của Thánh Kinh, quên đi mối liên hệ cá nhân với Chúa. Ngôi Lời là Ngôi Lời; một lần Ngôi Lời đến, Ngôi Lời cũng đến. Nói cách khác, một lần Chúa Jesus đến, sau đó Thánh Kinh đến.

Tôi sống ở Anh Quốc. Bên ngoài tòa nhà quốc hội Anh ở Westminster, London có khắc dòng chữ “pater nostra cuis en coeleas” (Cha chúng con ở trên trời), bởi vì nghị viện Anh được sáng lập bởi người Thanh Giáo tin Thánh Kinh. Song bên trong đầy dẫy những kẻ vô thần, hội viên Hội Tam Điểm (freemason),* người Hồi Giáo và gì nữa chỉ có Chúa biết. Tất nhiên họ không tin Thánh Kinh.

*Hội Tam Điểm (Freemasonry) là một tổ chức kín mọc lên từ nguồn gốc mơ hồ vào cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17. Hội Tam Điểm giờ đây hiện hữu dưới nhiều hình thức khắp thế giới với số hội viên ước tính khoảng 5 triệu, gồm khoảng dưới 2 triệu ở Mỹ, 480.000 ở Anh, Scotland và Ireland. Họ chia sẻ dưới nhiều hình thức khác nhau các tư tưởng siêu hình và đạo đức. ND.

Tại sao xã hội Anh Quốc lại sa sút đến thế? Tại sao có rất nhiều tội ác? Tại sao có những Cơ Đốc nhân được cứu, thậm chí còn được gọi là mục sư, lại ly dị và tái hôn? Muối đang mất đi vị mặn. Họ đang đi khỏi lời dạy của Thánh Kinh, bởi vì họ đi khỏi Chúa Jesus. Họ đã ra khỏi Lời, vì vậy họ ra khỏi Ngôi Lời. Chúa là Ngôi Lời; nếu bạn ra khỏi Thánh Kinh, bạn đã ra khỏi Đấng Christ. Thật là đơn giản.

Muối bảo tồn. Ngay cả trong những cái gọi là Bible Belt,* vô luân, tội ác và ly dị trong cái gọi là Cơ Đốc nhân thật đáng kinh ngạc; thậm chí còn hơn như vậy bởi vì nó được chấp nhận. Khi đầu tiên tin Chúa, tôi chưa bao giờ nghe về một Cơ Đốc nhân ly dị hoặc tái hôn. Nếu có, nó phải xảy ra trước khi họ tin Chúa hoặc họ có người phối ngẫu chưa tin bỏ đi. Nếu không như vậy, nó sẽ không bao giờ xảy ra. Nhưng giờ đây không còn ý nghĩa gì bởi muối đã mất đi vị mặn.

*Bible Belt là từ không trang trọng chỉ một khu vực ở Hoa Kỳ trong đó giáo phái Tin Lành Trưởng Lão Bảo Thủ là phần chi phối về văn hóa và sự góp mặt của Hội Thánh Cơ Đốc qua các giáo phái cực kỳ cao. Có nhiều Bible Belt ở miền Nam. Người đầu tiên dùng từ Bible Belt là ký giả Mỹ tên H. L. Mencken đã viết trong tờ Chicago Daily Tribune năm 1924: “Tôi hoài nghi trò chơi cũ đang bắt đầu cử nhạc tiễn đưa trong Bible Belt” (The old game, I suspect, is beginning to play out in Bible Belt). ND.

  1. Ngũ Cốc Nguyên Chất Và Ngũ Cốc Được Nghiền

Chúng ta hãy nhìn xa hơn, ngũ cốc đến theo hai cách. Bạn có ngũ cốc nguyên chất và rồi bạn có ngũ cốc được nghiền hoặc chưa giã kỹ. Khác nhau gì giữa ngũ cốc nguyên chất và ngũ cốc được nghiền? Tất cả là Lời Đức Chúa Trời, nhưng đến dưới hai hình thức: Khi Lời Đức Chúa Trời được dạy dưới sự xức dầu thật của Đức Thánh Linh, đó là ngũ cốc đã được nghiền ra. Đó là ai đó lấy ngũ cốc (Lời Chúa), nghiền ra (diễn giải) và mang cho người ta trong hình thức dễ tiêu hóa (dễ hiểu); việc đó là tốt. Nhưng ngũ cốc nguyên chất đến trước tiên. Không giáo viên Thánh Kinh nào, không quyển sách Cơ Đốc nào có thể thay thế việc đọc Lời Đức Chúa Trời cho chính bạn. Có ngũ cốc nghiền tốt; có những quyển sách tốt như Thiên Lộ Lịch Trình, The Screwtap Letters, các sách của A. W. Tozer và nhiều sách khác. Có nhiều ngũ cốc nghiền tốt; tuy nhiên, ngũ cốc nguyên chất đến trước tiên. Không lời dạy nào, không giáo viên, không băng ghi âm nào, không đĩa thu hình nào, không sách vở nào, không phương tiện thông tin đại chúng nào, có thể thay thế được việc đọc và học Thánh Kinh trong tinh thần cầu nguyện cho chính bạn.

Ngôi Lời là Ngôi Lời; Ngôi Lời của Chúa và Chúa của Ngôi Lời. Ngài là Ngôi Lời; Ngài là ngũ cốc được dâng hiến theo ba cách: Ngài chịu khổ trong thân, trong hồn và trong linh khi Ngài gánh tội lỗi của chúng ta. Ngũ cốc đó được đốt bằng lửa đặt trên vĩ, trong chảo và trong lò nướng. Chúa được xức dầu để chôn trước khi được xức dầu để thống lãnh Vương Quốc. Không kiểu tóc lạ lùng của diễn giả TV, không lâu đài hoặc xe hơi to sang trọng Mercedes; chỉ có một đời sống bị đóng đinh là chứng cớ của việc xức dầu. Ngài đã dâng của lễ được chấp nhận cho Đức Chúa Trời.

Không có mật; không có cảm giác yêu mến tại thập tự giá. Cha đã quay lưng lại với Con Ngài vì tội của tôi. Tôi đáng vào hỏa ngục, nhưng tôi đã nhận được cảm giác yêu mến. Chúa Jesus đã gánh tội lỗi của tôi để tôi không phải đi đến hỏa ngục.

Không có men, không có đạo lạ; không có kiêu ngạo, không có tội lỗi; nhưng có muối, muối để bảo tồn. Ngũ cốc được nêm muối nầy sẽ bảo tồn cho xã hội, quốc gia, hệ phái, Hội Thánh, gia đình, đời sống của bạn và của tôi; muối bảo tồn.

Ngũ cốc nguyên chất và ngũ cốc được nghiền ra; đó là những gì Đức Chúa Trời có cho chúng ta và là những gì Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta. Phúc Âm đang chờ đợi nơi đây và trong vài trường hợp cho mọi người, Phúc Âm đã hiện diện nơi đây với toàn bộ sự sống, nhưng chưa được chấp nhận. Tuy nhiên, Phúc Âm có thể được chấp nhận ngay hôm nay. Hỡi các Cơ Đốc nhân – hãy coi chừng vì quá nhiều mật. Đừng ngăn giữ cảm giác yêu mến, nhưng cũng đừng để nó không chế.

Có nhiều lẽ thật được tìm thấy trong toàn bộ Thánh Kinh. Chúng ta giải thích Thánh Kinh Cựu Ước trong ánh sáng của Tân Ước và chúng ta hiểu Thánh Kinh Tân Ước trong ánh sáng của Cựu Ước, bối cảnh người Do Thái. Nguyện Đức Chúa Trời ban phước cho bạn khi bạn khám phá hơn nữa về Đấng Christ trong Lời Ngài.

Translator into Vietnamese: Daniel Nguyen